Về với Cao Sơn
Cập nhật lúc: 20:24 27/08/2019
Cũng dự định sẽ trở lại Cao Sơn vào đầu thu để thăm các em nhỏ, lần lữa phần vì công việc bộn bề, phần vì không tự tin với tay lái của mình, do đường lên Cao Sơn dốc tựa mái nhà. Duyên kì ngộ, hôm nay kết nối được đoàn từ thiện, tôi đã háo hức lên đường để được tự tay trao cho các em nhỏ miền sơn cước những món quà đầu năm học mới. Mong rằng những món quà ấy sẽ góp phần thắp sáng ước mơ cho các em, ước mơ có thể vượt qua những ngọn núi miền Cao Sơn trùng điệp, nơi mà ánh sáng của đèn điện, âm thanh của những chiếc đài, chiếc ti vi vẫn còn là điều xa xỉ.
Cao Sơn, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hóa chính là tên gọi chung cho 3 bản Son, Bá, Mười, nằm trên đỉnh của dãy núi Phà Hé, thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tiếp giáp với khu BTTN Ngọc Sơn của tỉnh Hòa Bình. Nơi đây có độ cao khoảng trên 1.100 m, gần như tách biệt hẳn với các làng bản khác dưới chân núi. Ai đó đã không ngoa ngôn mà ví rằng đây chính là Sa Pa hay Đà Lạt của xứ Thanh, bởi mảnh đất đậm nét nguyên sơ ấy gần như quanh năm sương mù bao phủ như một bức tranh phong cảnh hùng vĩ mà nên thơ với những nếp nhà sàn đơn sơ của đồng bào Thái ẩn mình giữa bạt ngàn núi rừng. Ở đây, nhiệt độ trung bình từ 20 – 22 độ C nên mùa đông đến sớm và lạnh hơn những nơi khác rất nhiều, có những lúc nhiệt độ xuống dưới 0 độ và có cả tuyết rơi. Quả thực với thời tiết cực đoan như năm nay, mặc dù đã cuối hè mà nắng vẫn như đổ lửa. Dọc đường đi, chúng tôi cảm nhận rõ cái nắng hắt vào da thịt đến bỏng rát, nhưng khi di chuyển đến con đường độc đạo lên Son, Bá, Mười thì như được hòa mình vào chiếc điều hòa khí hậu khổng lồ.
Đổi thay Son Bá Mười
Lũng Cao là xã vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của huyện Bá Thước, cơ sở hạ tầng phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Cao Sơn nằm tách biệt riêng lẻ trên đỉnh núi nên được xem như "khu biệt lập" của huyện, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Để vào được bản chỉ có 2 con đường, một là con đường vắt ngược qua đỉnh Phà Hé, trước năm 2016 đây chỉ là con đường mòn, để đi từ trung tâm xã lên với độ dài 10 km cũng phải mất gần nửa ngày. Con đường thứ hai là ngược tỉnh Hòa Bình, vượt “cổng trời” để sang. Đường xá đi lại hết sức khó khăn nên nhiều người ở đây cả đời không ra khỏi bản và trong con mắt của họ Cao Sơn đã là cả thế giới. Khi ấy, mảnh đất này còn được gọi là “3 không”, không điện, không đường, không chợ; tỷ lệ đói nghèo lên đến 90 %. Nhiều gia đình không có điều kiện thì cả năm mới đi chợ được 1 lần. Đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, rau quả rất dễ trồng nhưng bà con cũng không trồng nhiều vì chẳng biết mang đi đâu để bán ,vì thế, đời sống chủ yếu là tự cung tự cấp, thiếu thốn đủ đường.
Đó là câu chuyện của những năm trước, giờ Cao Sơn đã nhiều đổi khác, những nếp nhà sàn khang trang thay cho những ngôi nhà cũ kĩ, sập sệ; những đồi ngô, mướp đắng, su su chạy dài tít tắp; con đường cheo leo, xẻ núi được thay thế bằng con đường tỉnh 521B đã giúp xe ô tô có thể đi vào tận các bản, vì thế rất thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, đời sống của bà con cũng vì thế mà đổi thay. Theo thông tin từ UBND xã Lũng Cao, hiện Cao Sơn có gần 190 hộ, với trên 770 nhân khẩu. Ngoài thu nhập từ cây ngô, cây luồng, bà con còn tập trung trồng các loại rau củ quả, thậm chí là trồng trái vụ để nâng cao thu nhập. Điển hình ở bản Son, ngoài 70 ha trồng ngô, còn có 50 hộ trồng cây mướp đắng, với tổng diện tích là 5ha cho hiệu quả 30 triệu đồng/sào, bà con không phải lo đầu ra vì có công ty cung ứng toàn bộ vật tư và bao tiêu sản phẩm.
Tận dụng kiểu khí hậu đặc trưng để tạo ra thế mạnh, gần đây Cao Sơn có hướng đi mới là trồng cây dược liệu như atiso, nhân sâm, hà thủ ô... Hiện đã có doanh nghiệp xung phong lên để phát triển vùng nguyên liệu. Thời gian gần đây nhiều hộ đã bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân tăng dần, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện…bức tranh của Son Bá Mười đã được tô thêm một màu tươi mới.
Thăm ngôi trường chưa từng có giáo viên nữ
Ngôi trường nằm trên điểm cao ngất ngưởng của đỉnh Pù Luông, đó là điểm Trường Phổ thông Cao Sơn, được thành lập từ năm 2008 chỉ bằng tranh tranh tre nứa lá, đến năm 2012 đã được đầu tư xây dựng lại. Trường Phổ thông Cao Sơn hiện có 9 lớp học với 110 học sinh ở cả hai cấp học Tiểu học và Trung học cơ sở, mỗi khối chỉ có 1 lớp, có lớp học chỉ gồm 6 học sinh. Học sinh của nhà trường 100% là dân tộc Thái. Hiện nay, đã có 7 phòng học kiên cố, còn 2 phòng gỗ sập sệ và xuống cấp nghiêm trọng nhưng nhà trường vẫn phải dùng tạm. Đây là ngôi trường chưa từng có giáo viên nữ, hiện 17 cán bộ giáo viên của nhà trường đều là các thầy giáo.
Thầy Nguyễn Ngọc Đỉnh, giáo viên nhà trường, người đã dạy học ở đây 7 năm, chia sẻ: Cách đây chỉ mấy năm thôi, để đến được trường, các thầy phải gửi xe máy dưới chân đèo rồi leo bộ lên. Vào những hôm trời mưa, đường lầy lội phải “cuốc bộ” cả ngày mới đến nơi, nhà cách trường có hơn 30 km nhưng cả tháng tôi mới về thăm nhà được 1 lần. Thời tiết trên này lạnh lắm, quanh năm phải dùng đến chăn bông. Mùa đông rét cắt da cắt thịt, rất khắc nghiệt, có lúc xuống âm 3-4 độ C. Vì vậy không có cô giáo nào có thể lên đây “bám trụ” được. Nhiều lúc, học sinh nữ bị đau bụng hay gặp những vấn đề tế nhị về tâm sinh lý là các thầy rất lúng túng trong cách xử lý nhưng vẫn phải khắc phục. Trường không có giáo viên nữ nên thầy nào cũng là “đầu bếp thực thụ”
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng hơn chục năm qua, 17 chàng “ngự lâm” trường Cao Sơn vẫn bám lớp, bám trường; vừa làm thầy, vừa “làm mẹ” để chăm lo, dạy bảo các em. Thấu hiểu được những thiệt thòi của thầy và trò trường Cao Sơn, Ban Quản trị Hội Bảo Tồn Lan Rừng Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình “Cùng Em Đến Trường” để tặng cho quà 110 học sinh Trường Phổ thông Cao Sơn nhân đầu năm học mới. Những phần bao gồm: 110 áo ấm, 110 cặp sách, 110 bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 9; 1.100 cuốn vở viết, 500 khăn quàng đỏ, 20 suất học bổng mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng,150m hàng rào, tổng giá trị quà tặng trên 80 triệu đồng.
Hội Bảo Tồn Lan Rừng Việt Nam được thành lập ngày 30/9/2015 từ một nhóm bạn yêu lan trên thành phố Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk, sau đó phong trào lan tỏa ra khắp cả nước. Song song với những hoạt động về lan, hội còn xây dựng các chương trình thiện nguyện trong đó đối tượng mà hội hướng đến là những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi xây dựng chương trình tới nay, hội đã tổ chức được trên 70 lần trao quà tới hơn 60 tỉnh trên cả nước, với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng bằng hiện vật là cặp sách, xe đạp, đồ dùng học tập, áo ấm…
Chuyến đi này, Cao Sơn đón đoàn bằng một trận mưa rào như trút nước. Giữa đỉnh dốc cao; một bên là đèo cao, dựng đứng, gấp khúc còn một bên là vực thẳm, nước từ trên đỉnh đồi lao xuống như phi mã, làm chúng tôi ngồi trên xe nhiều phen thót tim. Thỉnh thoảng có những đoạn đường bị sạt trượt, đá đất lổng chổng, mọi người phải xuống xe để tự thông đường…Con đường nhỏ ngoằn nghèo lọt thỏm giữa những vách núi cuối cùng cũng đưa chúng tôi đến bản khi trời đã nhá nhem. Đêm hôm ấy, bản Son rộn rã hẳn lên, bà con đón đoàn dưới nếp nhà sàn rộng rãi, uống rượu cần, nhảy sạp rồi hát cho nhau nghe những bài ca quen thuộc...